icon icon icon

Giờ làm việc: Từ 08h00 đến 20h00 (Cả thứ 7 và Chủ Nhật)

092.2526.888

LỊCH SỬ CHÂM CỨU

Đăng bởi Y Dược Quân Dân Y vào lúc 28/05/2022

Châm cứu là một trong những phương pháp điều trị của Đông y và nó đã có từ thời xa xưa, bắt nguồn từ vùng đất châu thổ sông Hoàng Hà (Trung Quốc). Từ phương tiện thô sơ, con người đã tích lũy kinh nghiệm và dần hoàn thiện cho đến ngày nay.

Thời nguyên thủy, y thuật phát xuất từ bản năng sinh tồn và chắt lọc từ những kinh nghiệm từ thực tiễn đấu tranh với thiên nhiên và bệnh tật để tồn tại.

Ban đầu, con người do bản năng đã dùng tay để tự xoa bóp tại những chỗ bị đau, bị thương và thấy có cảm giác giảm đau, dễ chịu. Dần dần tạo thành ý thức dùng cách đó mỗi khi bị đau, từ kinh nghiệm của một người lan ra cả một bộ lạc. Đến một giai đoạn nào đó, nó đã vô hình chung tạo thành phương pháp chữa bệnh một cách đơn giản và có hiệu quả. Đó là tiền thân của môn xoa bóp và nắn.

Có lẽ cũng nhờ vào ngẫu nhiên (do cháy rừng) mà con người đã biết dùng lửa để nấu ăn, sưởi ấm, chữa bệnh (hơ lửa lúc lạnh)… Đó là tiền thân của phép cứu.

Ban đầu người ta dùng vỏ cây, sau đó dùng các thứ cỏ dễ cháy bện lại để hơ cứu.  Rồi dần dần đến khi biết dùng thuốc họ mới tìm đến thuốc cứu (ngải cứu) vì nó có tác dụng làm giảm đau, dễ chịu (thông kinh hoạt lạc) và dùng nó ở dạng khô.

Còn Châm so với hai phương pháp trên thì nó xuất hiện có muộn hơn nhưng ngược lại, lại phát triển nhanh hơn, chỉ cách nay vài ngàn năm. Buổi đầu có thể do tình cờ va chạm vào chỗ bị đau mà người xưa phát hiện thấy đỡ đau và từ sự ngẫu nhiên đó, con người (không ý thức) do bản năng sinh tồn dẫn tới dùng những vật nhọn nói chung như mảnh xương thú, gai nhọn để châm, chích nơi bị đau, mong đạt đến cảm giác dễ chịu.

Các nhà khảo cổ đã tìm thấy một số cây kim bằng đá gọi là biếm (hay còn gọi là biêm) thạch trong một số di chỉ thời kỳ đồ đá. Có thể con người đã dùng đá mài nhọn thay cho các gai, xương thú dễ bị gãy để biếm, nẽ, châm.

Đến thời đại đồ đồng, người ta dùng kim bằng đồng và thay dần các kim bằng đá có độ nhọn không bằng. Một thời gian sau người ta tìm ra được vàng và bạc người ta lại dùng kim vàng và bạc nhưng chủ yếu chỉ dùng cho quan lại, vua chúa (kim vàng để châm bổ và kim bạc để châm tả). Ngày nay thì dùng loại kim bằng thép không rỉ hoặc không dùng kim để châm lên huyệt mà thay vào đó bằng điện châm, tia hồng ngoại, tia Laser và hình thức châm cũng được cải tiến dần như châm, kích thích điện (xung điện), điện phân thuốc trên huyệt, châm gây tê, nhu châm và phương pháp châm cũng được phát triển như Thể châm, Mai hoa châm, Nhĩ châm Thể châm, Tỵ châm, Đầu châm, Diện châm, Thủ - Túc châm...

Nói chung, khi con người biết sử dụng kim loại làm châm, khi điều trị bệnh vì độ sâu của kim đã phát hiện sự dẫn truyền cảm giác từ nơi này sang nơi khác, từ nơi châm đi theo một đoạn đường nhất định… Qua đó, họ đã tích lũy những kinh nghiệm và đã xây dựng được học thuyết kinh lạc mà cho đến ngày nay chúng ta vẫn còn đang nghiên cứu và sử dụng nó.

Lịch sử châm cứu ở Việt Nam

Châm cứu của Việt Nam đã có từ rất lâu đời, nó đã góp phần vào việc phòng và điều trị bệnh cho nhân dân song song với việc dùng thuốc.

Những người châm cứu giỏi như An Kỳ Sinh (người Hải Dương - đời Hùng Vương) được ghi chép trong Lĩnh Nam Chích Quái; Trâu Canh (nhưng tài liệu ghi chép không còn).

Tài liệu xưa nhất hiện nay về châm cứu Việt Nam có cuốn “Châm cứu tiệp hiệu diễn ca” của Nguyễn Đại Năng (thời nhà Hồ ở thế kỷ XV). Rồi đến Tuệ Tĩnh, Nguyễn Trực (Thế kỉ XV), Bảo Anh Lương Phương – Lý Công Tuân (Thế kỷ XVII). Hải Thượng Lãn Ông (thế kỷ XVIII), Vũ Bình Phố (thế kỷ XX).

Đến thời kỳ Pháp thuộc nền y học cổ truyền không phát triển được, đến khi Cách mạng Tháng 8 (1945) mới được phục hồi. Tháng 6-1957, thành lập Viện nghiên cứu Đông y và Hội Đông y Việt Nam. Tháng 10-1968, Hội châm cứu Việt Nam được thành lập, năm 1976 Viện Y dược học dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập và năm 1982 thành lập Viện Châm cứu.

Lịch sử châm cứu ở thế giới

Tại Châu Á, một số nước phát triển môn Châm cứu như Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản.

Ở Châu Âu, châm cứu mới được chú ý và phát triển vào khoảng năm 1939 mà đến nay còn lại tài liệu của Soulié de Morant với cuốn “Châm cứu Trung Quốc”. Năm 1945, Hội Châm cứu Pháp được ra đời và đến năm 1946 thì Hội Châm cứu quốc tế và Viện trung tâm Châm cứu Pháp được thành lập do bác sĩ Roger de la Fuye là Chủ tịch cả hai Hội, đồng thời làm Giám đốc Viện. Bác sĩ Roger de la Fuye đã từng tiên đoán: “Châm cứu sẽ cùng các phương pháp phòng bệnh và chữa bệnh khác đi vào thời đại nguyên tử”.

Từ một số nước Châu Á, Châm cứu đã lan sang nhiều châu lục như Châu Phi, Châu Âu, Châu Mỹ. Hội Châm Cứu quốc tế ra đời cho đến nay có khoảng trên 40 nước là hội viên.

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN: