-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
LỊCH SỬ Y HỌC VIỆT NAM (từ buổi đầu dựng nước đến thời nhà Hồ)
Đăng bởi Y Dược Quân Dân Y vào lúc 20/05/2022
Việt Nam đã có trên 4000 năm lịch sử, có nhiều truyền thống xây dựng và bảo vệ đất nước. Cùng với phát triển văn hóa nhân dân ta cũng tích lũy được nhiều kinh nghiệm phòng bệnh và chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe qua các thời kỳ lịch sử.
Thời kỳ dựng nước (thời kỳ Hùng Vương 2900 năm trước Công nguyên)
Thời kỳ này y học còn sơ khai. Để bảo vệ sức khỏe người dân lấy gỗ làm nhà, đào giếng lấy nước ăn uống, phát minh ra lửa để ăn chín, sưởi ấm… Bên cạnh đó, người dân còn biết dùng gừng, riềng làm thức ăn, gia vị và chữa bệnh, ăn trầu để làm ấm cơ thể, nhuộm răng để bảo vệ răng (công thức nhuộm răng: cánh kiến, ngũ bội tử, vỏ lựu...) làm bánh chưng, uống nước vối…
Các vị thuốc được đưa sang Trung Quốc như Trầm hương, Đồi mồi, Tê giác... Các thầy thuốc người Trung Quốc cũng sang ta chữa bệnh (như Đổng Phụng, Lâm Thắng, Thân Quang Tốn...). Nhờ đó, nền y học của dân tộc ta đã kết hợp những kinh nghiệm phòng, chữa bệnh của dân tộc và những kinh nghiệm của y học Trung Quốc.
Theo Long úy bí thư chép lại, đến đầu thế kỷ thứ II trước Công nguyên đã có hàng trăm vị thuốc được phát hiện và sử dụng ở nước ta như quả giun (Sử quân tử), Sắn dây (Cát căn), Sen, Quế…
Thời kỳ đấu tranh giành độc lập lần thứ nhất (năm 111 trước Công nguyên - 938 sau Công nguyên)
Gần 1000 năm bị phong kiến phương Bắc đô hộ, dân tộc ta đã không ngừng đứng lên chống ách ngoại xâm giành độc lập cho đất nước. Để có sức khỏe, cha ông ta vẫn tiếp tục phát huy nền y học cổ truyền, tìm kiếm các phương pháp chữa bệnh và các vị thuốc có trong nước. Mặt khác tiếp thu nền y học Trung Quốc (Trung Y) đưa sang nước ta.
Thời kỳ độc lập giữa các triều đại: Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, Hồ (năm 939-1406)
- Không có tài liệu ghi chép về tình hình y học dưới thời Ngô, Đinh, Lê.
- Thời nhà Lý (1010-1224), triều đình tổ chức Ty Thái y chăm lo việc bảo vệ sức khỏe cho vua quan trong triều. Trong dân gian có nhiều thầy thuốc chuyên nghiệp lo việc chữa bệnh cho nhân dân, phát triển việc tổ chức trồng thuốc (di tích hiện nay để lại tại xã Đại Yên, khu Ba Đình, Hà Nội)
Phương pháp chữa bệnh bằng tâm lý cũng phát triển, mang nhiều màu sắc duy tâm được triều đình nâng đỡ. Năm 1139, lương y Nguyễn Chí Thanh (người Gia Viễn, Ninh Bình) đã chữa khỏi bệnh tinh thần cho vua Lý Thần Tông và được phong làm Quốc sư.
- Thời nhà Trần (1225-1399). Nho giáo phát triển mạnh, chống mê tín dị đoan nên y học phát triển thêm một bước.
Ở triều đình, Ty Thái y đổi thành Viện Thái y, từ năm 1362, triều đình chủ trương trồng cây thuốc cho nhân dân ở các vùng có dịch. Tổ chức trồng, hái thuốc dùng cho quân đội và nhân dân, bảo vệ sức khỏe, góp phần phòng và chống cuộc xâm lược Nguyên Mông. Thời kỳ này đã xác định một số danh y và một số tác phẩm y học được xuất bản như:
- Phạm Công Bản (thế kỷ 13): Làm Thái y lệnh dưới thời vua Trần Anh Tông. Ông là người nêu gương y đức, hết lòng thương yêu, phục vụ người bệnh, không phân biệt giàu nghèo, tự bỏ tiền ra xây dựng nơi chữa bệnh và phát thuốc cho nhân dân, và cứu sống được nhiều người.
- Tuệ Tĩnh: Tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh (người xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương ngày nay). Ông đỗ Tiến sĩ nhưng không ra làm quan mà đi tu, nghiên cứu cây thuốc và viết sách truyền bá Y học.
Tác phẩm của Tuệ Tĩnh để lại gồm:
+ Bộ sách Nam dược thán hiệu gồm 11 quyển, 580 vị thuốc có trong nước, 3.873 bài thuốc chữa 182 chứng bệnh trong 10 khoa lâm sàng.
+ Quyền Hồng nghĩa Giác tư y thứ gồm hai bài phú thuốc Nam (một bằng chữ Nôm, một bằng chữ Hán) tóm tắt công dụng của 630 vị thuốc, 13 phương gia giảm phụ thêm bổ âm đơn, một thiên dùng thuốc theo chứng và các thiên “y luận” về lý luận cơ bản, chẩn đoán học, mạch học.
Tuệ Tĩnh là người đầu tiên nêu cao khẩu hiệu “Nam dược trị Nam nhân” phổ biến y dược học một cách dễ hiểu, dễ làm để nhân dân tự chữa bệnh bằng các phương pháp xông hơi, uống thuốc. Ông còn tuyên truyền ăn ở vệ sinh, phổ biến cách giữ gìn sức khỏe, điều độ trong sinh hoạt… tổng kết trong mấy vần thơ:
“Bế tinh, dưỡng khí, tổn thần
Thanh tâm, quá dục, thủ chân, luyện mình”
Ông được người đương thời và người đời sau coi là vị “Thánh thuốc Nam” là bậc thầy đại thiện, đại nho, đại y và dược.
- Chu Văn An (1292-1370) người xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội ngày nay. Ông đã để lại một số tư liệu, bệnh án và kinh nghiệm chữa các bệnh dịch mà sau này con cháu ông như Chu Doãn Văn, Chu Xuân Lương đã ghi lại thành cuốn Y học giả tạp chú di biên năm 1366 và bổ sung năm 1856.
- Thời nhà Hồ (1400-1406)
Nhà Hồ đẩy mạnh cải cách xã hội và mở rộng việc chữa bệnh cho nhân dân, xây dựng các cơ sở chữa bệnh, đẩy mạnh việc sử dụng châm cứu.
Danh y thời này là Nguyễn Đại Năng (người xã Hiệp An, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương ngày nay). Ông chuyên tổ chức các cơ sở y tế chữa bệnh cho nhân dân. Ông viết quyến Châm cứu tiếp hiệu diễn ca - vận dụng 120 huyệt chữa bệnh trên 100 chứng bệnh thông thường.
Thời kì nước nhà bị giặc Minh xâm lược tuy ngắn nhưng lại gây hậu quả nghiêm trọng. Chúng vơ vét sách vở, thuốc, đưa các sĩ phu, danh y nước ta về nước (tập Cúi đường đi cáo của Trần Nguyên Đào, Dược thảo tân biên của Nguyễn Chí Tân ...).