-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
LỊCH SỬ Y HỌC VIỆT NAM (Từ thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa đến nay)
Đăng bởi Y Dược Quân Dân Y vào lúc 21/05/2022
Năm 1945, cách mạng tháng Tám thành công mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc: Kỷ nguyên độc lập tự do.
Trong hoàn cảnh mới, Đảng và Chính phủ đã động viên các thầy thuốc, lương y, dược sĩ và các nhân viên y tế tham gia kháng chiến cứu nước, bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.
Để giải quyết vấn đề thiếu thuốc do chiến tranh, việc tìm kiếm và thay thế bằng nguồn dược liệu trong nước được thực hiện. Ở Nam bộ đã sớm đề ra việc sử dụng thuốc Nam và châm cứu, điển hình là phương pháp chữa bệnh bằng toa căn bản.
Hồ Chủ tịch rất quan tâm đến vấn đề kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền để xây dựng nền y học dân tộc Việt Nam. Trong bức thư gửi cho Hội nghị Ngành Y tế ngày 27/2/1955 Người viết: "Trong những năm bị nô lệ thì y học của ta cũng như các ngành khác bị kìm hãm. Nay chúng ta đã độc lập tự do, cán bộ cần giúp đồng bào, giúp Chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu chữa bệnh của nhân dân ta. Y học cũng phải dựa trên nguyên tắc khoa học dân tộc đại chúng".
Cũng trong thư Người chỉ rõ: "Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu phối hợp thuốc Đông y và thuốc Tây".
Năm 1978, Hội đồng Chính phủ có Nghị quyết 266/CP và 200/CP, năm 1981 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền đã được ghi nhận. Đại hội Đảng lần thứ V, VI, VII lại một lần nữa khẳng định kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền để xây dựng nền y học Việt Nam là một điều cần thiết. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế cũng ra nhiều thông tư hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng, Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ. Gần đây Quốc hội cũng đã ban hành luật bảo vệ sức khỏe bao gồm cả y học hiện đại và y học cổ truyền.
Gần 40 năm kiên trì thực hiện đường lối của Đảng và Nhà nước, ngành Y tế đã đạt được nhiều thành tích, xây dựng nền y học Việt Nam kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại trên nhiều mặt: quan điểm xây dựng ngành, đào tạo cán bộ, nghiên cứu y học về chữa bệnh và thuốc, biên soạn các tài liệu phổ cập và chuyên sâu về y học cổ truyền dân tộc... Trong đó, vấn đề kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền là một trong những quan điểm xây dựng ngành.
Về tổ chức: đã thành lập một mạng lưới y tế Nhà nước và y tế nhân dân từ Trung ương đến cơ sở. Trong đó, có các bộ phận chuyên chữa bệnh bằng các phương pháp y học cổ truyền, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở như trạm y tế xã, xí nghiệp...
Năm 1957, thành lập Viện Nghiên cứu Đông y Trung ương. Hiện nay đổi tên thành Viện Y học cổ truyền Việt Nam. Viện có nhiệm vụ kế thừa, nghiên cứu, nâng cao và phổ biến những phương pháp chữa bệnh của y học cổ truyền.
Năm 1975, sau khi đất nước được hoàn toàn giải phóng, Viện Y dược học dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập. Là trung tâm nghiên cứu và chữa bệnh bằng các phương pháp y dược học dân tộc ở các tỉnh phía Nam.
Cùng với các viện Trung ương, hiện nay trên toàn quốc có hơn 40 bệnh viện y học cổ truyền ở các tỉnh và hàng trăm khoa y học cổ truyền ở các bệnh viện đa khoa tỉnh và huyện... Lúc đầu thiếu cán bộ, Bộ Y tế đã tổ chức thi tuyển được 28 vị lương y làm nòng cốt cho việc đào tạo. Sau đó đã đưa công tác đào tạo và huấn luyện y học cổ truyền vào chương trình chính khóa của các trường đại học, trung học và sơ học của ngành. Thành lập các bộ môn y học cổ truyền đảm nhiệm việc giảng dạy y học cổ truyền ở các cơ sở nói trên.
Hàng năm, ở các Viện Y học cổ truyền Việt Nam và Viện Y Dược học Thành phố Hồ Chí Minh đều tổ chức cho hàng nghìn lương y, bác sĩ, dược sĩ thực hành về các phương pháp chữa bệnh của y học cổ truyền, nhất là châm cứu và thuốc Nam. Từ năm 1978, Bộ Y tế đã giao cho trường Đại học Y Hà Nội đào tạo sau đại học về y học cổ truyền như bác sĩ nội trú. Tuyển chọn nhân tài, phát hiện sớm những người có năng khiếu về y học cổ truyền để tiếp tục đào tạo chuyên môn sâu chuyên khoa I, chuyên khoa II, cao học, tiến sĩ y học...
Về chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền. Ngoài những cơ sở y tế của Nhà nước, mạng lưới y tế từ Trung ương đến cơ sở đều có những tổ, khoa, phòng chuyên, phòng chẩn trị… chữa bệnh bằng các phương pháp y học cổ truyền, nhất là từ khi đất nước đổi mới. Qua đó, hàng năm có hàng triệu lượt người bệnh được chữa khỏi bằng Y học cổ truyền, góp phần tích cực vào công cuộc hồi phục sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân để xây dựng đất nước.
- Về công tác sản xuất dược liệu: Trên cơ sở công tác nghiên cứu khoa học đã tổ chức thu hái và trồng trọt, cải tiến dạng bào chế theo phương pháp công nghiệp nên đã bảo đảm một phần cho nhu cầu chữa bệnh và xuất khẩu. Đặc biệt từ năm 1973 trở lại đây, phong trào trồng và sử dụng thuốc Nam tại các xã, các huyện có nhiều triển vọng, đóng góp tích cực vào việc cần kiệm xây dựng đất nước, tự túc một phần thuốc chữa bệnh thông thường. Tuy nhiên, thành tích đạt được trên đây mới chỉ là những kết quả bước đầu trong việc xây dựng nền Y học Việt Nam, còn khá nhiều tồn tại về các mặt tư tưởng, tổ chức, chính sách nghiên cứu y và công tác dược liệu.
Như vậy, mỗi cán bộ Y tế cần thấy rõ nền y học của dân tộc ta là một nền y học lâu đời, không ngừng phát triển qua các thời kỳ lịch sử, bao gồm từ lý luận đến kinh nghiệm chữa bệnh không dùng thuốc và dùng thuốc vô cùng phong phú. Bên cạnh đó, nền Y học cổ truyền của ta với nguồn dược liệu dồi dào, kết hợp với kinh nghiệp y học cổ truyền của các nước láng giềng (Campuchia, Lào, Trung Quốc) được áp dụng sáng tạo vào điều kiện tự nhiên, sức khỏe, bệnh tật của nước ta, qua đó thu được thành tựu rực rỡ.
Có thể nói, nền y học hiện đại là kết tinh của những thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại với kinh nghiệm phong phú của nền y học cổ truyền. Việc kết hợp này là một chủ trương vô cùng sáng suốt của Đảng cộng sản Việt Nam và Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời đại mới.