icon icon icon

Giờ làm việc: Từ 08h00 đến 20h00 (Cả thứ 7 và Chủ Nhật)

092.2526.888

LỊCH SỬ Y HỌC VIỆT NAM (từ thời Hậu Lê đến thời Pháp thuộc)

Đăng bởi Y Dược Quân Dân Y vào lúc 20/05/2022

Thời nhà Hậu Lê (1428-1788)

Nhà Hậu Lê có nhiều chính sách tiến bộ, quan tâm, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

- Bộ luật Hồng Đức có đặt quy chế nghề y, trừng phạt những người thầy thuốc kém đức, gây tử vong bằng các thuốc độc. Ban hành Quy chế vệ sinh xã hội, cấm bán các loại thịt ôi thối, nghiêm cấm bỏ thuốc mê, thuốc độc. Ra Quy chế pháp y về khám án mạng tử thi và thương tích.

- Chống tảo hôn (quy định tuổi thành hôn nam 18, nữ 16, cấm phá thai, hạn chế thuốc lào, phổ biến phương pháp vệ sinh phòng bệnh, cách luyện tập giữ gìn sức khỏe (sách Sinh Diên thọ toàn yếu do Đào Công Chính biên soạn năm 1676).

- Tổ chức y tế ở triều đình có Thái Y viện đứng đầu, có Sở lương y chữa bệnh cho quân đội, có Tế sinh dưỡng ở các tỉnh, huyện chuyên lo việc cứu chữa bệnh tật cho nhân dân, công tác chống dịch được chú trọng.

- Mở các kỳ thi tuyển lương y, tổ chức khoa giảng dạy ở Thái y viện, đặt các học chức ở phủ huyện đế dạy thuốc. Hiệu đính, tái bản các chước tác y học (Châm cứu tiếp hiệu diễn ca, Hồng nghĩa giác từ y phủ, Nam dược thần diệu...) soạn các sách y học mới như Y học nhập môn diễn ca, Nhân dân phú... qua đó, nhiều danh y xuất hiện và có nhiều cống hiến cho nền y học nước nhà như:

Nguyễn Trực (1416-1473) quê ở xã Bối Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội ngày nay. Ông để lại cuốn Bảo Anh Lương Phương chữa bệnh cho trẻ em bằng thuốc, châm cứu, xoa bóp…

Lê Hữu Trác (tức Hải Thượng Lãn Ông) (1720-1791): Quê ở xã Văn Xá, huyện Yên Mỹ tỉnh Hải Dương ngày nay. Ông là người văn hay võ giỏi, từ bỏ con đường làm quan, quyết tâm đi sâu nghiên cứu Y học, đề cao tinh thần chữa bệnh và cứu giúp bệnh nhân, bác bỏ quan niệm số phận. Ông viết sách phổ biến kinh nghiệm vệ sinh phòng bệnh và Lý luận Y học

Ông để lại quyển Vệ sinh yếu quyết diễn ca, phổ biến kinh nghiệm phòng bệnh cho người dân qua các mặt vệ sinh cá nhân, vệ sinh hoàn cảnh và vệ sinh ăn uống:

Hải Thượng Lãn Ông đã tổng hợp thành tựu của nền y học Đông Phương, áp dụng sáng tạo vào điều kiện tự nhiên và bệnh tật ở nước ta, tổng kết hoàn chỉnh từ lý luận đến các phương pháp chữa bệnh thành bộ sách: Hải Thượng Lãn Ông Y Tông Tâm Lĩnh gồm 28 tập, chia thành 66 quyển, nội dung gồm các vấn đề thuộc đạo đức người thầy thuốc, vệ sinh phòng bệnh, lý luận cơ sở, chẩn đoán học, mạch học, các phương pháp luận tự dược học bệnh học, các nghiệm phương dân tộc, các bệnh án. Trong công tác đào tạo Lương y, ông luôn chú ý đến đạo đức của người thầy thuốc, về tinh thần thương yêu, phục vụ người bệnh đến cùng. Tính trung thực trong nghiên cứu y học thể hiện trong tập Y huấn cách ngôn và các bệnh án thất bại (gọi là âm án) do chính ông nghiêm khắc rút kinh nghiệm. Sự nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông rất to lớn, đã làm rạng rỡ cho nền y học cổ truyền của nước ta.

Về thuốc, ông tìm thêm trên 300 vị thuốc mới (ghi trong quyển Lĩnh nam bản thảo) tổng hợp thêm 2.854 bài thuốc và luôn khuyến khích các đồng nghiệp và học trò chú trọng sử dụng các vị thuốc có trong nước để chữa bệnh.

Ngoài ra còn có các vị danh y khác như Hoàng Đôn Hòa (thôn Đa Sỹ, xã Kiến Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội ngày nay), đã có công lớn trong việc tìm ra các bài thuốc chữa các bệnh dịch, tổ chức y tế trong quân đội. Sau này Trịnh Đôn Phúc (thế kỷ 18) đã biên tập trong quyển Hoạt Nhận toát yếu. Lê Đức Vọng (người làng Thọ Nam, huyện Hoài Đức, Hà Nội ngày nay) là một danh y về mắt, ông để lại tác phẩm Nhãn khoa yếu lược năm 1638.

Thời nhà Tây Sơn (1788-1802)

Thời kỳ này chiến tranh liên tiếp, mất mùa, dịch lan rộng nên triều đình đã tăng cường việc chống dịch cho nhân dân. Đã tổ chức Cục Nam dược nghiên cứu thuốc chữa bệnh cho quân đội và nhân dân (hai danh sư là Nguyễn Hoành quê ở Thanh Hóa và Nguyễn Quang Tuấn phụ trách cục này).

Nguyễn Gia Phan (tức Nguyễn Thế Lịch) (1748-1817) quê ở xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội ngày nay. Ông đỗ tiến sĩ và làm quan, được triều đình Tây Sơn giao cho việc chỉ huy chống dịch. Ông để lại các tác phẩm: Liệu dịch phương pháp toàn tập và Hộ phi phương pháp tổng lực về bệnh trẻ em.

Nguyễn Quang Tuấn quê ở Hà Tây (Hà Nội ngày nay). Ông để lại các tác phẩm bằng chữ Nôm là La Khê phương dược và Kim ngọc quyến.

Thời nhà Nguyễn (1788-1883)

Tổ chức y tế thời nhà Nguyễn giống như cuối thời nhà Hậu Lê: Triều đình có tổ chức Thái y viện, ở các tỉnh có Ty Lương y và mở trường dạy thuốc ở Huế (năm 1850 ). Triều đình đặt ra một số luật lệ hành nghề của thầy thuốc để ngăn chặn, trừng phạt những người phạm sai lầm và khen thưởng những người có công. Triều đình cũng tổ chức tái bản những bộ sách của Hải Thượng Lãn Ông.

Về sách y có để lại hai quyển: Nam dược tập nguyện quốc âm của Nguyễn Quang Lương (quê ở Hà Nội) viết về các bài thuốc Nam đơn giản và thường dùng. Nam thiên đức bảo toàn thư của Lê Đức Huệ gồm 511 vị thuốc Nam và bệnh học, chữa theo phép biện chứng bằng các bài thuốc dân tộc kết hợp với các bài thuốc cổ phương.

Thời kỳ thực dân Pháp xâm lược nước ta (1884-1945)

Thực dân Pháp chủ trương tiêu diệt văn hóa nước ta, trong đó có nền y học cổ truyền, giải tán các tổ chức y tế thời nhà Nguyễn, loại Đông y ra khỏi tổ chức y tế bảo hộ, đưa nền y tế thực dân thâm nhập. Với chính sách ngu dân, chúng chỉ xây dựng một tổ chức y tế què quặt, tập trung ở các tỉnh thành, chủ yếu phục vụ cho giai cấp thống trị.

Thực chất việc chữa bệnh cho nhân dân lao động là do các lương y phụ trách, do đó nhân dân vẫn tín nhiệm y học cổ truyền.

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN: