icon icon icon

Giờ làm việc: Từ 08h00 đến 20h00 (Cả thứ 7 và Chủ Nhật)

092.2526.888

Ý NGHĨA VIỆC KẾT HỢP Y HỌC HIỆN ĐẠI VỚI Y HỌC CỔ TRUYỀN ĐỂ XÂY DỰNG NỀN Y HỌC VIỆT NAM

Đăng bởi Y Dược Quân Dân Y vào lúc 23/05/2022

Tại sao phải kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền?

Kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền của dân tộc là một cuộc cách mạng khoa học trong y học để xây dựng một nền y học Việt Nam có đầy đủ tính chất dân tộc và đại chúng

Y học ngày nay là thành quả nghiên cứu của việc bảo vệ sức khỏe cho người dân trên toàn thế giới và những thành tựu về khoa học kỹ thuật mang lại. Nền y học cổ truyền của nước ta là những kinh nghiệm vô cùng phong phú của ông cha ta kết hợp với y học cổ truyền của các nước láng giềng, áp dụng vào hoàn cảnh cụ thể của đất nước, con người và bệnh tật của mỗi vùng. Nền y học nào đều có những sở trường và những tồn tại nhất định. Kết hợp hai nền y học đó sẽ bổ sung cho nhau, làm cho nền y học Việt Nam mang tính chất hơn hẳn về khoa học và đạt được những thành tích đáng kể, có tính chất đại chúng, phục vụ cho quảng đại nhân dân Việt Nam, được nhân dân lựa chọn.

Nền y học Việt Nam kết hợp giữa y học hiện đại với y học cổ truyền sẽ đoàn kết  và thống nhất được đội ngũ cán bộ làm y tế (cả y học hiện đại và y học cổ truyền) để phục vụ cho công cuộc chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tổ chức y tế ở nước ta hiện nay có một đội ngũ cán bộ đông đảo thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau của y học hiện đại. Mặt khác còn có đội ngũ những người làm y học cổ truyền chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp, được tập hợp trong các phòng chẩn trị y học cổ truyền, trong hội y học cổ truyền, trong các mạng lưới nhân dân để phục vụ công tác khám chữa bệnh.

Hiện nay, y học cổ truyền đã nhìn nhận đúng về thực tế kinh nghiệm chữa bệnh ở các vùng miền, đặc biệt là miền núi, nơi có nhiều cây thuốc quý. Do vậy, cần gấp rút sưu tầm, kế thừa và phát huy.

Đội ngũ cán bộ y tế đông đảo, chất lượng, kinh nghiệm phong phú, thực hiện nghiêm chỉnh theo luật pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ V và lời căn dặn của Hồ Chủ tịch “Thầy thuốc như mẹ hiền”.

Những phương pháp phòng và chữa bệnh hiệu quả, đỡ tốn kém như dưỡng sinh, xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu… cần được phổ biến rộng rãi trong nhân dân để tự phòng và chữa bệnh, thực hiện y tế dự phòng

Nguồn dược liệu nước ta rất lớn, có nhiều cây thuốc quý để chữa bệnh và xuất khẩu. Nước ta lại là một nước ở miền nhiệt đới, có nhiều độ cao khác nhau, kéo dài nhiều vĩ tuyết, có khí hậu đa dạng, rất thuận lợi cho việc phát triển dược liệu để tự túc thuốc, giảm nhập khẩu, tăng cường xuất khẩu để làm giàu cho đất nước.

Những biện pháp để thực hiện việc kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền

Căn cứ vào thư của Hồ Chủ tịch, Nghị quyết của Đại hội lần thứ III, IV, V và Nghị quyết 266CP của Hội đồng Chính phủ, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế, công tác kết hợp hai nền y học cần chú ý những phương pháp sau:

Về nhận thức và tư tưởng: Cần làm cho mọi người, nhất là các cán bộ Y tế thấy rõ sự cần thiết, sự lợi ích của việc xây dựng nền y học Việt Nam, kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền của dân tộc. Trên cơ sở đó, khắc phục một số nhận thức tư tưởng và khuynh hướng sai lầm.

- Thiếu tin tưởng, chấp hành không nghiêm túc và sáng tạo các Nghị quyết của Đại hội Đảng và Hội đồng Chính phủ về vấn đề này.

- Coi nhẹ giá trị chữa bệnh, phòng bệnh của y học cổ truyền. Tư tưởng coi nhẹ thuốc đông y và các phương pháp chữa bệnh của nhân dân ở một số cán bộ vì chịu ảnh hưởng của sách vở nước ngoài.

- Tư tưởng và khuynh hướng hẹp hòi dân tộc của một số người trong giới y học cổ truyền trước việc tiếp thu nền y học hiện đại và kinh nghiệm của Đông y.

Kiện toàn tổ chức, kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền của dân tộc từ trung ương đến cơ sở.

- Xây dựng và kiện toàn các tổ chức làm tham mưu cho Bộ Y tế và các sở y tế để chỉ đạo có hiệu lực công tác kết hợp về nhiều mặt: Đường lối, chỉ đạo thực hiện về tổ chức, chữa bệnh, công tác dược liệu, công tác đào tạo.

- Tổ chức mạng lưới chữa bệnh bằng các phương pháp y học cổ truyền của dân tộc từ trung ương đến các cơ sở nằm trong tổ chức y tế Nhà nước, đặc biệt là các viện nghiên cứu đầu ngành và các bệnh viện trung ương. Bệnh viện y học cổ truyền và bệnh viện đa khoa các tỉnh là nơi có điều kiện kế thừa, nâng cao, phát huy, phát triển các phương pháp chữa bệnh của y học cổ truyền. Tuyến xã là nơi trực tiếp chữa những bệnh thông thường hoặc giai đoạn đầu cho cán bộ, nhân dân.

Kế thừa những kinh nghiệm chữa bệnh của nền y học cổ truyền

- Những kinh nghiệm chữa bệnh, những cây thuốc quý còn nằm rất nhiều trong nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc. Những kinh nghiệm này xưa nay được truyền lại theo tính chất gia truyền, cần có cách làm thích hợp và có những chính sách đãi ngộ, khen thưởng thích đáng mới thực hiện được việc kế thừa này.

- Những vị lương y có tài, có nhiều kinh nghiệm chữa bệnh trong nhân dân hiện nay phần nhiều tuổi cao, sức yếu, cần nhanh chóng tổ chức kế thừa theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

- Cần đào tạo một số người biết chữ Hán Nôm để sưu tầm, biên dịch các tài liệu lưu truyền lại. Tìm hiểu những trước tác của các danh y, góp phần vào việc biên soạn tài liệu về lịch sử của nền y học cổ truyền dân tộc.

- Đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ và phổ biến những kinh nghiệm, phương pháp chữa bệnh của nền y học cổ truyền dân tộc

- Cần mở rộng quy mô đào tạo đội ngũ cán bộ, đảm nhiệm được các mặt các như: giảng dạy, kế thừa, chữa bệnh bằng cách kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền, nghiên cứu khoa học…

- Cần phổ cập cho mọi cán bộ y tế trong toàn ngành có một kiến thức thực hành các phương pháp chữa bệnh, nhất là châm cứu và thuốc có trong nước (đặc biệt là một số cán bộ tuyến y tế cơ sở như xã, đại đội, công nông trường, xí nghiệp...).

- Đối với cán bộ dược, cần đào tạo nhiều cán bộ chuyên về dược liệu, nắm được kỹ thuật bào chế thuốc Đông dược bằng các phương pháp cổ truyền và công nghệ.

- Cần nhận thức đầy đủ được tầm quan trọng của công tác đào tạo cán bộ và phổ cập nền y học cổ truyền của dân tộc cho các cán bộ Y tế. Chỉ khi nào đội ngũ này làm nòng cốt thì Nghị quyết của Đảng, chỉ thị của Chính phủ mới được thực hiện một cách nghiêm chỉnh và sáng tạo.

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu y học cổ truyền của dân tộc

Các phương pháp chữa bệnh của y học cổ truyền rất có giá trị nhưng mới ở phạm vi một nền y học lâm sàng và kinh nghiệm, cần phải dùng các kỹ thuật nghiên cứu hiện đại để chứng minh, chỉnh lý và nâng cao. Theo tinh thần của Nghị quyết lần thứ tư khóa 7 năm 1993 (hiện đại hóa và khoa học hóa y học cổ truyền), công tác nghiên cứu cẩn tập trung vào các khâu sau đây:

- Nghiên cứu tác phẩm của các danh y Việt Nam để xây dựng, bổ sung cho kho tàng kinh nghiệm về phòng và chữa bệnh của nền y học cổ truyền dân tộc.

- Nghiên cứu cách chữa các bệnh thông thường hay gặp trong nhân dân có kết quả và tốn kém ít nhất (tức là nghiên cứu ứng dụng).

- Nghiên cứu cách chữa một số bệnh mà y học thế giới còn gặp nhiều khó khăn để góp phần vào y học thế giới.

- Nghiên cứu các vị thuốc có trong nước và phân loại tác dụng dược lý, thành phần hóa học, tác dụng chữa bệnh. Nghiên cứu di thực các loại thuốc còn phải nhập khẩu trên các miền khí hậu khác nhau. Nghiên cứu cải tiến các dạng bào chế để phục vụ cho nền công nghiệp dược phẩm…

Bên cạnh đó, ta phải xây dựng chính sách toàn diện, phục vụ cho công tác kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền, trong đó cần chú ý đến các vấn đề sau:

- Chính sách đãi ngộ, hưởng thụ theo khả năng và sự cống hiến của các lương y, những cây thuốc quý…

- Chính sách khen thưởng, khuyến khích đối với người đóng góp những kinh nghiệm đối với các lương y cá thể, cần chấm dứt hành nghề tự do. Tạo điều kiện cho các vị lương y được hành nghề trong các tổ chẩn trị, phòng chẩn trị cổ truyền (tốt nhất là trong các tổ chức y tế nhân dân và tổ chức y tế Nhà nước).

- Có chính sách thuyết phục thích hợp để vận động đồng bào các dân tộc vùng cao chia sẻ kinh nghiệm gia truyền và các cây thuốc quý…

Về vấn đề dược liệu

Nghị quyết 200CP năm 1978 của Hội đồng Chính phủ và gần đây là Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ IV và V về việc phát triển nguồn dược liệu phong phú trong nước đã nói lên tầm quan trọng của vấn đề này để thực hiện kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền.

- Điều tra sự có mặt và trữ lượng cây thuốc trong tự nhiên, lập bản đồ dược liệu trong toàn quốc.

- Khoanh vùng cây thuốc trong nước và các cây đã di thực để tìm hiểu nhu cầu thuốc phòng, chữa bệnh và xuất khẩu.

- Tiếp tục nghiên cứu các đơn vị thuốc nước ngoài di thực vào nước ta trên nhiều vùng khí hậu khác nhau.

- Khuyến khích thu mua và trồng trọt dược liệu, khuyến khích tuyên truyền việc sử dụng Nam dược ở dạng thành phẩm.

Kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền của dân tộc để xây dựng nền y học Việt Nam là một chủ trương sáng suốt, đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chỉ có thực hiện thành công Nghị quyết của Đại hội Đảng mới xây dựng được nền y học Việt Nam hiện đại, đầy đủ tính chất khoa học, dân tộc đại chúng. Như vậy mỗi cán bộ Y tế mới có điều kiện thực nghiệm nghiêm túc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thầy thuốc như mẹ hiển” cống hiến mọi trí tuệ, tài năng cho hạnh phúc của nhân dân và giàu mạnh của Tổ quốc.

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN: